Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt

0
2311

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một trong những phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên (hay Đạo Ông Bà) là tục lệ thờ cúng những người đã chết, đặc biệt là tổ tiên. Tục lệ này trở thành nét đặc trưng của nền văn hóa Châu Á.

Thờ cũng ngày tang lễ

Đám tang hay đám ma, lễ tang, tang lễ, tang ma là một trong những phong tục tập quán, nét văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam. Bao gồm nhiều quy trình thể hiện lòng thương tiếc và sự tôn trọng của những người đang sống thực hiện đối với người vừa chết Tang ma là việc đại sự.

Ngày cúng giỗ

Theo tuviphuongdong.net trong tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch. Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên Đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng nhập…

Tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên của dân tộc Việt Nam
Tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên của dân tộc Việt Nam

Theo tín ngưỡng thờ cúng thì những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử… người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.

Đây là một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nước, quả trứng, nén hương cũng giữ được đạo hiếu.

Một số loại bàn thờ chính

Bàn thờ tổ tiên

Theo tín ngưỡng thờ cúng thì trong mỗi gia đình Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Tuỳ theo từng nhà mà có cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà lầu).

Biền (bàn thờ) là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt Trời, mặt Trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

Bàn thờ vọng

Bàn thờ vọng là một loại bàn thờ mà những người sống ở xa quê, ít có điều kiện về nhà con trai trưởng dịp giỗ Tết lập nên. Ngày xưa, bàn thờ vọng chưa phải là phong tục chủ yếu bởi đa số người ta đều sống và sinh cơ lập nghiệp ngay tại quê hương, chỉ có một số trường hợp đặc biệt gọi là biệt quán, li hương. Đó cũng là một trong những tín ngưỡng thờ cúng cần thiết đối với mỗi gia đình Việt Nam.

Bàn thờ bà cô ông mãnh

Bàn thờ bà cô ông mãnh là từ mà dân gian dùng cho những người chết trẻ, chưa lập gia đình. Người ta cho rằng vì chết trẻ nên bà cô ông mãnh rất linh thiêng. Nếu cảm thấy “hợp” người thân nào thì sẽ phù hộ độ trì rất nhiều. Nếu thờ cúng bà cô ông mãnh không đến nơi đến chốn sẽ bị quở phạt. Bà cô ông mãnh lẽ ra cũng nên thờ cúng với tổ tiên, nhưng dân gian quan niệm rằng bà cô ông mãnh tuổi thấp nên chưa thể hưởng hương hoa cùng các cụ đời trước được. Giống như trên cõi dương gian, trẻ con chỉ ngồi riêng một mâm khi ăn giỗ nên bà cô ông mãnh cũng được thờ riêng 1 bàn thờ.

Bàn thờ bà cô ông mãnh được xem trọng trong mỗi gia đình Việt
Bàn thờ bà cô ông mãnh được xem trọng trong mỗi gia đình Việt

Bàn thờ bà cô ông mãnh được đặt dưới gầm hương án bàn thờ tổ tiên. Cũng có thể đặt cùng trên bàn thờ tổ tiên nhưng bát nhang phải thấp hơn thờ gia tiên 1 bậc. Cũng có thể lập riêng bàn thờ nhưng phải thấp hơn bàn thờ tổ tiên. Bài trí bàn thờ bà cô ông mãnh rất đơn giản, sơ sài. Chỉ đặt bài vị (hoặc ảnh), bát nhang, chén nước, bình hoa, đôi đèn… Người ta cúng vào ngày sóc vọng, ngày kỵ, giỗ Tết giống thờ tổ tiên.

Nếu người cúng ngang hàng với bà cô ông mãnh thì chỉ lâm râm khấn mà không cần lễ. Nếu thuộc hàng dưới thì phải khấn và lễ. Khi gia đình gặp chuyện về sức khỏe, vật chất… người ta cúng bà cô ông mãnh để được phù hộ độ trì cho mọi sự được hanh thông và tốt hơn.

Bàn thờ người mới chết

Những người mới mất chưa được thờ chung với tổ tiên mà được lập một bàn thờ riêng tại gian thờ hoặc gian nhà ngang. Được bài trí tương đối sơ sài: một bát nhang, bài vị (hoặc ảnh), lọ hoa, chén nước, ngọn đèn… Trong vòng 100 ngày (tính từ ngày an táng xong), người ta đều thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, mời người mới mất thụ hưởng. Lúc này, linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, “hồn vía còn nặng” chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn xung quanh nhà. Những người sống không muốn tin vào sự thật là họ vừa mới mất đi một người thân, làm vậy để dịu nỗi buồn. Nhưng có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức lễ chung thất).

Theo tín ngưỡng thờ cúng sau 3 năm khi người mới mất được bốc mộ bát nhang người mới mất sẽ được rước lên bàn thờ tổ tiên (phong tục của người miền bắc (ninh bình). Sau lễ trừ phục (còn gọi là đàm tế) bàn thờ người mới mất sẽ được loại bỏ cùng những đồ thờ riêng, đưa ảnh chân dung và bát nhang lên bàn thờ tổ tiên, đặt hàng dưới. Trường hợp không có bàn thờ tổ tiên thì sẽ vẫn giữ lại như cũ, chỉ cần yết cáo tổ tiên lên bàn thờ tổ.

Vì kính trọng tổ tiên, người Việt coi việc tang ma là trọng sự, gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên. Người ta thường nhớ ngày người chết để làm giỗ. Sau ngày người mất tròn một năm (tính theo âm lịch) thì bát nhang sẽ được đặt lên bàn thờ tổ tiên để thờ chung với tổ tiên. Vì vậy có thể nói, phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên và những người đã mất không chỉ thể hiện lòng thành kính của người sống đối với những người đã khuất mà còn trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt.