Phong tục lễ chùa-lễ hội chùa hương năm nào cũng được diễn ra vào dịp đầu năm. Người dân khắp cả nước đổ về đây mong được cầu bình an may mắn. Bài viết dưới đây tuviphuongdong.net sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phong tục này của dân tộc Việt.
Phương tiện đến chùa Hương
Chùa Hương chỉ cách Hà Nội 60 km về phía Tây Nam nhưng lại hội tụ đủ loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch hang động… Hội chùa Hương kéo dài tới hơn 2 tháng từ trước rằm tháng Giêng đến rằm tháng Ba Âm lịch. Nơi đây tạo nên nét độc đáo trong phong tục tập quán đi lễ chùa của dân tộc Việt Nam. Đến với chùa hương không chỉ là nơi linh thiêng người dân đi lễ chùa mà còn là địa điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Du khách đến chùa Hương bằng nhiều đường: đường bộ, đường thủy… mà bến Yến là điểm xuất phát của hành trình. Từ bến Yến, khách đi bằng đường bộ xuyên qua rừng mơ, là con đường mòn của các tiều phu vào rừng lấy củi, hái thuốc. Đi đường bộ có cái thú của người đi bộ, người leo núi, được hòa mình vào nhiều chùa, hang, cảnh đẹp, được có dịp thắp nén nhang bên ngôi mộ Tản Đà, một thi sĩ danh tiếng của Việt Nam sống ở nửa đầu thế kỷ XX.
Nhưng đường thủy thường được du khách lựa chọn nhiều nhất. Mọi người cùng xuống đò do các cô gái làng Yến chèo lái, thả lững lờ dọc suối Yến, lặng ngắm hai bên bờ, xa xa sau màn sương mỏng nhẹ là trùng điệp núi biếc. Phong tục lễ chùa – lễ hội Chùa Hương đầu năm luôn được người dân trong nước và du khách coi trọng.
Chùa Hương tạo nên nét riêng độc đáo
Nếu trong chuyến đi thuyền đến Chùa Hương nếu bạn may mắn được ngồi cạnh bạn lại là một khách ưa chuyện trò, hiểu biết kể cho bạn nghe những huyền thoại đất Hương Sơn thì không còn gì thú vị hơn. Tên núi được đặt theo hình dáng núi. Nào là núi Ngũ Nhạc có hình năm trái Chuông, núi Đụn như đụn thóc, núi Voi, núi Lân hình con kỳ lân, núi Quy hình con rùa, ngoài ra còn có các núi Thuyền Rồng.
Phượng Hoàng hai bên suối
Hình ảnh Phượng Hoàng ở hai bên suối Tuyết – con suối dẫn đường vào chùa Tuyết Sơn, núi Mâm Xôi, núi Trống, núi Chiêng, núi Ông Sư, núi Bà Vãi… Đò dừng lại ở khu đền Trình để các bà, các chị… vào làm lễ trình diện với các vị Sơn thần, với một dũng tướng của vua Hùng cai quản vùng đất thiêng. Rồi khách lại xuống đò tiếp tục theo dòng suối uốn lượn quanh co qua hang Bà, Cầu Hội cảnh đẹp như tranh thủy mặc với cỏ, cây, hoa, lá đung đưa theo gió xuân.
Khám phá Chùa Thiên Trù
Thuyền ghé bến đầu tiên đưa khách thăm chùa Thiên Trù, chùa Thiên Trù được coi là “bếp nhà trời” còn gọi với các tên dân gian là chùa Ngoài, chùa Trò. Bên phải chùa Thiên Trù có động Tiên Sơn với nhiều nhũ đá trên vách và 5 pho tượng đá. Nơi đây còn có hồ bán nguyệt nuôi thả hoa sen, cá, quanh chùa Thiên Trù là núi cao và hàng trăm ngọn tháp.
Động Hương Tích
Du khách đi tiếp vào chùa Trong nơi có động Hương Tích cổ kính, được chúa Trịnh Sâm tôn vinh là “Nam Thiên đệ nhất động” với ý nghĩa: hang động đẹp nhất trời Nam. Cửa động Hương Tích có lối Lên Trời, lối Xuống Âm Phủ. Nơi đây là điểm hội tụ nhiều cảnh đẹp của chùa Giải Oan, chùa Cửa Võng, am Phật Tích, động Tuyết Kình với chim ca, vượn hót, tiếng suối róc rách như bản hòa tấu của thiên nhiên. Động Hương Tích gắn với bao nhân vật lịch sử, thi nhân Việt Nam như Trịnh Sâm, Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Xuân Diệu..
Núi Hương Sơn
Núi Hương Sơn có cách nay khoảng 200 triệu năm nhưng theo truyền thuyết và ngọc phả còn lưu giữ thì động Hương Tích mới ra đời cách đây hơn 2000 năm. Trong động nhũ đá hình thù muôn vẻ, được dân gian đặt những tên gọi thân quen như Cây Gạo, Cây Vàng… và trong chùa Hương Tích có các tượng Phật Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ được phối thờ… đặc biệt có tòa Cửu Long hình 9 con rồng chầu bằng nhũ đá.