Nét độc đáo trong phong tục cưới hỏi Miền Trung

0
1857

Phong tục cưới hỏi miền Trung là sự kết hài hòa giữa nét độc đáo của Miền Bắc và sự phóng khoáng của miền Nam tạo nên một nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của dân tộc Việt.

Phong tục cưới hỏi của Người miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng vốn không câu nệ và thiên về vật chất nên việc cưới hỏi cũng trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng từ Hoàng Cung Huế mà nghi thức ngày càng được xem trọng hơn. Nhìn vào phong tục cưới hỏi miền Trung, ai cũng dễ dàng nhận ra sự giao thoa giữa những lễ nghi ràng buộc của miền Bắc và sự phóng khoáng của miền Nam.

Nét độc đáo trong phong tục tập quán người Miền Trung
Nét độc đáo trong phong tục tập quán người Miền Trung

Theo tuviphuongdong.net cho hay, nghi thức cưới hỏi của người miền trung thời xưa thường được coi là lễ quan trọng nhất của cuộc đời. Phải trải qua sáu bước gọi là lục lễ, diễn ra trong vòng ba năm mới hoàn tất. Giờ đây việc cưới hỏi đã đơn giản hóa hơn khi lược bớt những quan niệm rườm rà không phù hợp như đặt nặng vấn đề phù hợp về tuổi tác hay sính lễ cầu kỳ.

Quy trình cưới xin của người dân nơi đây cũng đã rút gọn. Nếu hai bên gia đình ở xa thì đám hỏi và đám cưới cũng có thể gộp chung. Lúc đó, khi thực hiện nghi lễ, sính lễ ăn hỏi được bày lên trước sau đó nhà gái mang cất đi, rồi nhà trai lại bày ra những vật phẩm cho lễ cưới.

Lễ đi lễ dạm ngõ (lễ đi nói)

Nghi lễ đi nói này cha mẹ chàng trai mang một chai rượu và khay trầu cau sang nhà gái đặt vấn đề về chuyện cưới xin.

Lễ đi hỏi (dạm ngõ) hay đính hôn

Theo phong tục tập quán của người Miền Trung trong lễ đính hôn, lễ vật gồm năm mâm quả: quả trầu cau với 105 quả cau tượng trưng cho câu nói trăm năm hạnh phúc; ngoài trà và đôi rượu còn có phong bì tiền ví để hỗ trợ nhà gái chuẩn bị cho tiệc đám hỏi hôm đó và vàng (thường là đôi hoa tai nhưng cũng có nhà đi nhẫn); quả bánh kem đính hôn; quả nem chả với số lượng chẵn cặp; mâm ngũ quả được kết rồng phượng cầu kỳ. Cũng có nhà theo tục cũ đi thêm một quả bánh su sê nữa.

Các lễ vật khác như: vòng tay, nhẫn hoặc hoa tai vàng, mẹ chồng còn trao cho con dâu một phong bì tiền mừng dâu. Phong bì tiền được để trong tráp trà rượu sẽ đưa cho ba mẹ cô dâu. Số tiền này ngay sau đó thường được nhà gái cho lại đôi vợ chồng. Khi nhà trai ra về, khay quả trống không phải được lật ngửa nắp để cho thấy lễ vật đã được nhà gái tiếp nhận.

Nghi lễ cưới hỏi của người Miền Trung
Nghi lễ cưới hỏi của người Miền Trung

Lễ cưới

Khi lễ cưới chính thức được diễn ra nhà trai trước khi vào nhà gái, đoàn rước dâu cử một người trong họ tộc mang theo khay rượu vào nhà cô dâu để trình giờ xin được vào làm lễ. Sính lễ vẫn là năm mâm quả như lễ ăn hỏi. Nếu nhà gái có bàn thờ gia tiên, nhà trai sẽ mang theo đôi nến tơ hồng để gắn lên chân nến đặt sẵn.

Số lượng người trong đoàn rước dâu, người Đà Nẵng quan niệm tổng số phải ứng với số sinh hoặc lão (1, 2, 3, 4, 5, 6… tương ứng là sinh, lão, bệnh, tử, sinh, lão…). Đoàn đưa dâu của nhà gái có số lượng nhiều hơn miễn là cũng đảm bảo số sinh hoặc lão.

Thay vì quan niệm cũ của người Miền Trung là mẹ nhà gái không đi đưa dâu bởi ‘đi’ theo nghĩa là còn luyến tiếc chưa muốn gả con, thì giờ đây mẹ cô dâu thường đi một xe khác chứ không chung với đoàn nhà mình.

Sau khi kết thúc nghi lễ cưới hỏi tại nhà trai, nhà gái ra về, cô dâu chú rể bưng khay trầu cau và thuốc lá đứng tiễn. Người nhà gái lấy một miếng trầu hoặc điếu thuốc và bỏ vào khay những đồng tiền lẻ, mệnh giá có thể từ 1.000 đến 50.000 đồng để cầu may mắn.

Sau ba ngày cưới diễn ra, đôi vợ chồng son trở về thăm nhà cô dâu mới gọi là lễ phản diện hay lại mặt. Cũng có gia đình cho phép họ về lại mặt ngay buổi chiều lễ cưới.